Ông Nguyễn Thanh Nhàn - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết UBND tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho dự án đầu tư nuôi biển ở địa phương - Ảnh: CHÍ CÔNG

Ngày 28-6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội thảo "Giải pháp phát triển nuôi biển của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Có thể cho dân thuê mặt nước biển ban đầu?

Ông Trần Đức Sĩ - người dân nuôi biển ở phường An Thới (TP Phú Quốc) - thông tin Phú Quốc có tiềm năng lợi thế nuôi biển tốt, ít chịu ảnh hưởng mưa bão. Dân ở địa phương phát triển nuôi cá lồng, bè trên biển rất nhiều.

Những năm gần đây, do ảnh hưởng dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế nên nghề nuôi biển của ông Sĩ và bà con đối mặt với nhiều khó khăn.

"Tôi đề xuất cần thiết cho người dân thuê mặt nước biển trong giai đoạn đầu. Người dân đầu tư lồng bè HDPE thì địa phương, doanh nhiệp cũng cần có chính sách hỗ trợ trả góp hoặc ngân hàng hỗ trợ đầu tư vốn cho người dân nuôi biển thêm thuận lợi", ông Sĩ đề xuất.

Còn ông Nguyễn Đức Minh - chủ tịch Hội Nông dân xã Hòn Nghệ (huyện Kiên Lượng) - thông tin ông Minh và bà con nuôi cá ở Hòn Nghệ đang điêu đứng vì giá cá mú, cá bớp giảm sâu. Thương lái hiện thu mua cá mú với giá 150.000 đồng/kg, giảm 50% so với thời gian trước đây.

"Cần phải tạo chuỗi liên kết, Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp để người nuôi biển tiếp cận kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để nuôi đạt hiệu quả", ông Minh đề xuất.

Bên cạnh hỗ trợ vốn, ông Trần Đức Sĩ - người dân nuôi biển ở phường An Thới (TP Phú Quốc) - đề xuất có thể cho dân thuê mặt nước biển để nuôi biển ban đầu - Ảnh: CHÍ CÔNG

Tạo thuận lợi cho dự án đầu tư nuôi biển ở Kiên Giang

Ông Trần Công Khôi - trưởng phòng giống và thức ăn thủy sản thuộc Cục Thủy sản - cho biết nuôi biển Kiên Giang còn gặp khó về con giống. Có nhiều hợp tác, doanh nghiệp nhưng tham gia vào chuỗi liên kết trong sản xuất nuôi biển chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Kiên Giang cũng chưa chủ động thức ăn tại chỗ và chưa có doanh nghiệp có năng lực tham gia vào chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.

"Kiên Giang cần có giải pháp nuôi biển gắn liền với du lịch biển đảo. Chúng tôi cũng mong muốn Kiên Giang có những chính sách đặc thù để giúp người dân nuôi biển và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư giống, thức ăn; xây dựng dự án thí điểm nuôi biển để tạo nền tảng phát triển nuôi biển", ông Khôi nói.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết địa phương rà soát bổ sung và tích hợp không gian nuôi trồng thủy sản trên biển vào quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, có chuyển đổi nghề từ khai thác thủy sản kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản trên biển.

Địa phương đẩy mạnh tập huấn, hướng dẫn công nghệ nuôi mới trong sản xuất và triển khai các mô hình nuôi biển ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào nuôi biển, chuyển dần thức ăn công nghiệp thay thế cá tạp.

Kiên Giang sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các dự án đã có chủ trương đầu tư sớm triển khai đóng góp vào sản lượng nuôi biển của tỉnh Kiên Giang.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông tỉnh Kiên Giang cho hay kế hoạch năm 2025, địa phương phát triển 7.500 lồng và sản lượng 29.890 tấn.

Năm 2030, Kiên Giang có khoảng 14.000 lồng bè nuôi cá, sản lượng 105.690 tấn và chủ yếu tập trung ở TP Phú Quốc, huyện đảo Kiên Hải, Kiên Lương và TP Hà Tiên.